Quyền yêu cầu thi hành án dân sự?
Ngày 28-06-2024 Lượt xem 90

Quyền yêu cầu thi hành án dân sự?

1. Ai có quyền yêu cầu thi hành án dân sự?

Theo quy định tại Điều 7 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 về quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án như sau:

Quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án

1. Người được thi hành án có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định trong Luật này;

b) Được thông báo về thi hành án;

c) Thỏa thuận với người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án;

....

Mặt khác theo Điều 7a Luật Thi hành án dân sự 2008 bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của người phải thi hành án như sau:

Quyền, nghĩa vụ của người phải thi hành án

1. Người phải thi hành án có các quyền sau đây:

a) Tự nguyện thi hành án; thỏa thuận với người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án; tự nguyện giao tài sản để thi hành án;

b) Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật này;

....

Như vậy, người có quyền yêu cầu thi hành án dân sự là người được thi hành án và người phải thi hành án. Trong đó:

- Người được thi hành án là đương sự trong vụ án dân sự bao gồm cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành.

- Người phải thi hành án là đương sự trong vụ án dân sự bao gồm cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành.

2. Thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự là bao lâu?

Căn cứ theo Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án cụ thể như:

Thời hiệu yêu cầu thi hành án

1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

2. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.

3. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án”.

Theo đó, về nguyên tắc người được thi hành án và người phải thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án dân sự đối với cơ quan thi hành án ra quyết định trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, thời hạn yêu cầu thi hành án dân sự được xác định như sau:

- Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định: Thời hạn yêu cầu thi hành án dân sự là 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

- Trường hợp bản án, quyết định thi hành theo định kỳ: Thời hạn yêu cầu thi hành án dân sự là 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Ngoài ra, các thời gian sau không được tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự:

- Thời gian hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định pháp luật, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.

- Thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng nếu người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn.

3. Thủ tục yêu cầu thi hành án dân sự

Thủ tục yêu cầu thi hành án dân sự được quy định chi tiết tại Luật Thi hành án dân sự và được hướng dẫn tại Nghị định 62/2015/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

3.1. Hồ sơ yêu cầu

- Đơn yêu cầu thi hành án dân sự. Trong đó, đơn này có các nội dung: Tên, địa chỉ của người yêu cầu và người được thi hành án, người phải thi hành án; nội dung yêu cầu thi hành án; thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án (nếu có); ngày tháng năm làm đơn; chữ ký/điểm chỉ của người làm đơn;

- Giấy tờ tuỳ thân của người yêu cầu và người được thi hành án, người thi hành án (nếu có) gồm Căn cước công dân hoặc hộ chiếu (bản sao);

- Bản án có hiệu lực của pháp luật (bản chính);

- Thông tin về việc thi hành án: Tài liệu, giấy tờ về tài sản của người thi hành án (nếu có).

Việc nộp đơn yêu cầu thi hành án được thực hiện bằng hình thức nộp trực tiếp hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi qua bưu điện (căn cứ khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Thi hành án dân sự).

3.2. Cơ quan nhận yêu cầu thi hành án dân sự

Căn cứ Điều 35 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bổ sung 2014 thì thẩm quyền thi hành án thuộc về:

- Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện:

+ Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở;

+ Bản án, quyết định phúc thẩm của Toà án cấp tỉnh với bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có trụ sở.

+ Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Toà án cấp cao với bản án, quyết định của Toà án cấp huyện đã có hiệu lực nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở.

+ Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi khác hoặc cấp tỉnh hoặc cấp quân khu uỷ thác.

- Cơ quan thi hành án cấp tỉnh:

+ Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp tỉnh cùng địa bàn; của Toà án nhân dân cấp cao; của Toà án nước ngoài hoặc do cơ quan thi hành án dân sự nơi khác và cấp quân khu uỷ thác hoặc của cấp huyện nếu thấy cần thiết lấy lên để thi hành.

+ Quyết định của Toà án nhân dân tối cao chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.

+ Quyết định của Trọng tài nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Việt hoặc phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại…

Tác giả: LS.TS Hương Giang

 

 

wiget Chat Zalo Messenger Chat Whatsapp Chat Facebook Url
Liên hệ